samedi 27 décembre 2014

Chú "LI-SƠ"... Câu chuyện về ông BÙI Công Kiểm

CHÚ  "LI-SƠ"

Hay câu chuyện về bác BÙI CÔNG KIỂM



Truyện ngắn của PHẠM Minh Giao
Nhà văn Niaoulis New Caledonia - Hà nội




Jean Van Son Vanuatu
hiệu đính và lên trang Blog


Chuyến tầu hồi hương đầu tiên của bà con VK Tân Thế giới 1960

Bọn trẻ chúng tôi yêu quý chú lắm nên mới đặt cho chú một cái tên là lạ mà thân thương gắn với một đặc điểm và một sự kiện của riêng chú với bọn tôi.
Có lẽ chỉ có bọn “quỷ sứ”chúng tôi mới cảm nhận được hết tình cảm của cái tên kỳ quặc ấy mà bọn tôi đã đặt “en toute complicité” cho chú, còn người lớn - “ngoài cuộc” nếu có biết, chắc cũng chỉ cho rằng đó là sự trêu chọc thậm chí có thể chụp cho chúng tôi hai chữ vô lễ nữa!

Vào khoảng năm 1956 – 57 thì chú “xuất hiện” ở Nouméa, về Vallée des Colons cùng ở với bà con trong khu nhà ba má tôi.



Cũng là “giai một” và tầm tuổi như bác Sửu, bác Sách, bác Chín, bác Kím...nhưng tất cả bọn tôi không gọi “bác” mà lại gọi là “chú” Kiểm theo cách gọi của bác Mùi - người anh họ của chú. Tuy nhiên, sau này bọn tôi lại thích gọi chú là “ông Li-sơ” hơn vì gọi tên ấy bọn tôi mới thấy gắn bó hơn với chú. Vì vậy, một lần nữa tôi xin được gọi chú bằng cái tên trìu mến ấy trong những dòng viết dưới đây...

Phải nói là “ông Li-sơ” của bọn tôi là một người đàn ông đẹp, dáng rất tài tử. Ông cao dong dỏng, ngăm đen khoẻ mạnh và có bộ tóc mun dày lượn sóng, loáng thoáng điểm vài sợi bạc nhìn gần mới rõ.



Nhưng hấp dẫn nhất với chúng tôi lại là hai cổ tay của ông ! Bọn tôi đứa nào cũng đã hơn một lần đòi ông giơ cổ tay ra cho xem hoặc mạnh bạo hơn, tự nhiên cầm lấy cổ tay ông mà ngắm nghía ! Không cuốn hút sao được khi mà trên cườm tay phải của ông là một đầu con báo hoa đang nhe răng há mồm, lưỡi đỏ lòm, bị một con dao găm “cắm phập” xuyên từ đỉnh hộp sọ xuống, mũi dao thòi ra phía dưới cổ ! Còn trên cườm tay trái lại là một nàng cá nữ uốn mình mềm mại đang cười duyên dáng, trên kẽ tai trái cài một bông hoa đỏ, tóc đổ dài trên đôi vai thon và bộ ngực trần tròn trịa, phần thân dưới đương nhiên là hình cá có đuôi và có vảy “đàng hoàng”...Hai hình ảnh ở hai cổ tay được xăm như cố tình đối lập sức mạnh hoang dã và vẻ đẹp quyến rũ mê hồn đã bị chinh phục, nhưng khi đó bọn trẻ chúng tôi chưa vượt quá tuổi thiếu niên nên có lẽ các nét vẽ đẹp và tính nghệ thuật ấy cũng chỉ tác động chút ít thôi mà chủ yếu là sự lạ lùng và khâm phục đã chinh phục chúng tôi : Đây là những hình vẽ xăm thẳng vào da không thể nào rửa sạch đi được chứ không phải là loại “vẽ thường” nhá, mà lại xăm bằng hai màu xanh đỏ nữa kia ! Trong trí tưởng tượng phong phú của bọn trẻ đứa nào cũng xuýt xoa là “chọc thủng” da như vậy thì phải đau ghê gớm lắm ! Vậy mà “ông Li-sơ” của chúng lại chịu được thì quả ông là ngang với Tarzan, với Roy Roger… với các “thằng giỏi” (héros) trong các phim xi-nê-ma rồi còn gì !? Trong thâm tâm, đứa nào cũng phục ông sát đất.

Dần dà, nghe lỏm được chuyện người lớn bọn tôi mới biết là trước đây ông ở Port-Vila, là thuỷ thủ và nấu ăn trên tàu biển của ông Ký Cao. Bọn tôi nghĩ được đi tàu như thế sướng thật, mà có vậy nên ông mới thành “tay chơi” chạm trổ yêng hùng thế chứ! Còn vì sao ông bỏ không “làm tàu” nữa và về làm “thợ thiếc” với bác Mùi thì bọn tôi không rõ ? Cũng có thể là một cách cưu mang đùm bọc của bác Mùi với anh em họ hàng chăng nhưng bọn tôi chẳng mấy quan tâm chuyện người lớn này.



Ông đã rời tàu biển nhưng cái tài nấu ăn của ông trên tàu hồi đó vẫn còn nên khi về ở đây, cả xóm lại được biết đến. Mọi người thấy ông vẫn còn tỏ ra rất say sưa với nghệ thuật ẩm thực và cũng tín nhiệm nên nhiều khi vẫn nhờ ông hộ một tay nấu nướng một hai món ngon nào đó trong những bữa đặc biệt.
Chỉ có một lần..., một lần ông làm món gà quay mà ông gọi là “poulet dancing” thì...khi con gà vàng ươm, thơm phức hấp dẫn đã đặt lên đĩa và được mổ ra lại thấy có ...những hạt ngô rơi ra lả tả vì... khi thịt gà ông đã quên chưa bỏ cái diều của gà đi ! Chết thật ! Nhưng cũng may không phải là cỗ bàn khách khứa gì nên cũng chẳng xảy ra điều gì quá quan trọng !
Có điều là ông bần thần mất mấy ngày vì...ảnh hưởng đến uy tín nấu ăn của ông. Bọn trẻ chúng tôi thì hiểu được ngay nguyên do của sự việc vì trước đó ông đã sai đứa nào đó đi mua cho ông một lít rượu vang rồi ! Ông nói để làm gia vị nấu nướng nhưng chắc là gia vị thì vừa vừa thôi mà để tăng “độ kluých” (một dáng vẻ của ông, vừa bặm môi vào lưỡi vừa khoát bàn tay vòng tròn và miệng nói “ kluých” để thể hiện sự hài lòng và thăng hoa nghệ thuật trong khi nấu nướng hoặc trang trí, cắm hoa v.v...) thì nhiều ! “Của đáng tội” ông rất thích uống rượu vang và lại rất dễ say nên có lẽ là hôm đó ông đã “khai vị nhẹ nhàng” cả phần lớn lít vang ấy trước khi vào bếp nên mới để xảy ra vụ “cái diều gà chết toi” ấy !?
Và đến đây cũng là lúc chúng tôi có thể vén “bức màn bí mật” về cái tên của ông rồi :




Đúng vậy, ông thích uống rượu vang và là người vô tư, tin người nên để thuận tiện ông cắm luôn một quyển sổ mua hàng chịu tiền tại “Comptoir Castel”. Bọn tôi thường được ông “phái đi lấy hàng” (chủ yếu là vang nho và xúc-xích “salami”) ở đó nên biết rõ ngày ngày ông không thể thiếu dưới một lít được. Cái tật uống rượu say của ông cũng bị ông anh họ mắng nhiều lần lắm nhưng ông không bỏ được rượu (nghe nói trước đây đã có nhiều phụ nữ mê ông, lăn xả về ở với ông nhưng ông không bỏ được rượu nên đã...bỏ vợ !).

Có một lần ông đã “xỉn” lắm rồi nhưng vẫn gọi bọn tôi ra hiệu đi lấy hàng. Bọn tôi cũng thừa biết “hàng đặc hiệu” của ông là gì rồi nhưng phần vì tôn trọng ông, phần vì muốn “gạ” ông cho “ghé” vào sổ vài cái kẹo cao su, “kẹo hạt đỗ” hoặc mạnh dạn hơn nữa là gói mứt “đát” (datte là quả chà là) nên vẫn cứ vờ hỏi ông cần mua hàng gì. Ông nhìn quanh xem có ai không (chủ yếu là có bác Mùi không) rồi bặm môi vào lưỡi đã tím sẫm, dơ bàn tay ra khoát một vòng, vừa gật đầu vừa ra hiệu bằng một “lệnh” nhẹ nhàng nhưng rõ ràng : “một li-sơ” ! Bọn tôi hiểu ngay là ông cần một lít rượu vang nhưng không biết vì sao hôm ấy ông không nói “một lít” mà lại nói trệch chữ lít thêm cái đuôi “sơ” buông rất nặng thành “li-sơ” ! Không hiểu vì ông đã quá xỉn hay vì ông vẫn tỉnh mà ngần ngại việc thể hiện mình vẫn còn muốn uống nữa nên “nói chơi” cho trệch ra thế !? Nhưng bọn tôi là lũ học trường Tây nên cách phát âm trệch như vậy lại làm tất cả rất ấn tượng, thích thú. Và từ đó trở đi bọn tôi dần dần không còn gọi ông là chú Kiểm nữa mà đã gọi ông là “ông Li-sơ” như một bí danh của riêng ông với chúng tôi.




Thật tội cho “ông Li-sơ” là không tự hạn chế được tửu lượng của mình nên đã có lần sau khi đã ngà ngà ông còn trèo lên cây vải trước cửa nhà để bẻ vải cho bọn tôi. Khi đó bọn tôi phần vì không rõ là ông có say hay không, phần vì chẳng dám can ngăn người lớn mà cũng còn cả vì đang hong hóng chờ các quả vải vừa xanh, vừa đỏ, chua chua, ngọt ngọt nên cứ để ông trèo lên cây. Cành vải dòn gãy, ông rơi theo xuống đất đánh huỵch, ngã nằm xõng xoài tội nghiệp trước sự khiếp sợ của bọn tôi ! Vậy mà ông vẫn gắng gượng đứng dạy, một cánh tay khòng khòng thấy rõ là gãy gập xuống rồi mà tay kia vẫn khoát vòng kiểu “kluých” quen thuộc, miệng huýt sáo một điệu ra vẻ thản nhiên như không có việc gì xảy ra... ! Cái điệu sáo ấy (ú u u ù...) đến nay vẫn còn đọng như in trong óc tôi như một hành trang tuổi thơ. Rồi ông điềm nhiên bảo chúng tôi nhặt mấy quả vải rơi vãi theo cành gãy đang lăn lóc trên mặt đất!
Nhưng hai tiếng sau thì “ông Li-sơ” của chúng tôi đã từ Clinique Magnin trở về với một cánh tay bó bột thạch cao trắng toát !

Cái lần ấy bọn tôi đã “sợ xanh mắt mèo” rồi nhưng có một lần khác nữa cũng sợ không kém ! Đó là hồi ở cạnh nhà tôi chủ đất Cheval xây ngôi nhà ba tầng và “ông Li-sơ” làm phụ nề ở đấy. Hôm ấy là Chủ nhật, thợ xây đều nghỉ cả nên ông dẫn bọn tôi ra đó chơi. Ra công trường đang xây dựng thì thú quá đi rồi, cái gì mà chẳng hấp dẫn !?


Có thể chú "Li-sơ" đang đứng trong đám đông này chăng?


Được chạy nhảy, leo trèo cầu thang thoả thích trong không gian rộng rãi, ngổn ngang mà không bị ai ngăn cấm thì còn gì bằng !? Nhưng mà…bọn trẻ vẫn thích có được cái gì mới nữa kia ! Đây rồi : cái “pa-lăng” để ở ngoài sân dùng dây thừng kéo tay để chuyển các xô đựng vữa từ dưới đất lên các tầng cao cho thợ xây trát. Không nhớ rõ là “sáng kiến” của “ông Li-sơ” hay của đứa nào trong bọn tôi mà thằng M. nghịch ngợm nhất đã ngồi lọt thỏm vào cái xô từ bao giờ và “ông Li-sơ” cứ thế, bặm lưỡi lại như mọi khi, ra sức vít vào dây kéo để trục cái xô con lủng lẳng một thằng nhóc ngồi gọn bên trong, “cẩu” từ dưới đất lên sân thượng ngôi nhà !
Những đứa đứng dưới ngửa mặt trông theo lại một phen nữa “xanh mắt mèo”! Chỉ sợ dây đứt chứ còn “ông Li-sơ” thì đứa nào cũng tin tưởng, chẳng sợ ông để tuột dây !?



Kỷ niệm nghịch ngợm thời thơ ấu về “ông Li-sơ” với bọn trẻ chúng tôi còn nhiều lắm chẳng kể hết được. Có điều là tất cả chúng tôi rất tin tưởng khi được “chơi” với ông, chẳng cần biết là ông say hay tỉnh nhưng chúng tôi thấy rõ là lúc nào ông cũng yêu thương và chiều chúng tôi hết mức, luôn muốn mang lại cho chúng tôi những giây phút tuổi thơ thoải mái !
Mà cũng không phải chỉ là chiều chúng tôi khi chơi đùa. Ông đi làm công ăn lương thợ phụ nên nghèo lắm, chỉ đủ ăn, cuối tháng đã hết tiền. Vậy mà lần tôi lĩnh phần thưởng cuối năm học - “Prix d’Excellence” ở 5ème Technique mang về nhà được mọi người khen ngợi, ông đứng trong phòng nhìn ra thấy tôi được phần thưởng nhiều sách thế liền chìa tay qua cửa sổ thưởng cho tôi cả hai tờ “vingt francs” to có hình “bà đầm” – nhiều hơn cả tiền mua...hai “li-sơ” của ông !
Cuộc đời cô đơn, chìm nổi lênh đênh nên ông thực sự yêu quý chúng tôi theo cách của ông, coi chúng tôi như là con cái ông vậy!
***


Vậy mà..., vậy mà khi về nước rồi, ở thị xã Thái Bình ông chẳng kiếm được việc làm, phải về quê. Em Bảo kể rằng những năm máy bay Mỹ ném bom, ông suốt ngày đi câu ở ao rạch, chẳng còn rượu vang để uống có lúc thèm quá ông đã phải pha cả chút cồn với nước để nhâm nhi với con cá tép nướng câu được cho đỡ "nhạt mồm nhạt miệng" !
Rồi ông bị bệnh mất lúc nào, chôn ỏ đâu mà bây giờ cũng chẳng còn ai tìm thấy mộ ông nữa !?

Hà Nội 31 tháng 12 năm 2008







Tác giả BLOG xin chân thành cảm ơn quý vị độc giả đã xem và chia sẻ góp ý.
Để giúp quý vị hiểu thêm về đất nước Tân đảo xưa nay là Vanuatu. Xin mời quý vị bấm vào link này, để xem hơn 2 ngàn ảnh về Port Vila do jeanvanjean thực hiện:

Xin chúc quý vị luôn vui khỏe và hạnh phúc.









2 commentaires:

  1. Bạn Minh Giao thân mến,

    Mình chưa đọc kĩ bài viết của bạn. Nhưng đọc qua Commentaire của bạn DANG Uy và Ngoc San Rolland PHAM, mình thấy bài viết có ý nghĩa sâu sắc. Bởi vây cho nên mình sắp xếp đưa vào Blog ngay.
    Còn về bác BÙI Công Kiểm hay Kiệm, thực tình mình không được biết. Nhưng hồi ấy có biết là ông Lê đình Cao - nguyên là Thư kí và phiên dịch viên của chủ đồn điền Laborde ở đảo Santo, có sở hữu một con tầu nhỏ chạy quanh các đảo để buôn bán. Thế thì bác Kiểm chắc làm việc trên con tầu đó.
    Chúc bạn và gia đình vui khỏe và gặp nhiều may mắn trong năm mới 2015.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Cảm ơn anh Đại đã tu chỉnh và đưa lên trang này.
      Đây cũng chỉ là một trong những hồi ức sâu sắc về cuộc đời khốn khổ của thế hệ cha ông mình đi N-C và N-H thôi anh ạ. Hình dung ra những "giai một" như các cụ đó đã ra đi vì cuộc sống nghèo khổ và bị ảnh hưởng gián tiếp của một cuộc chiến tranh sắp tới ("guerre d'Indochine") rồi sống đơn thân suốt thời trai trẻ nơi "đất khách quê người" để quay lại quê hương "đón" một cuộc chiến tranh khác ("guerre du VN") ! .
      Bây giờ mình có tuổi, từng trải cuộc sống rồi mới càng thấy thấm thía, thương cảnh đời của các Cụ CĐ như bác Bùi Công Kiểm ...

      Supprimer