mercredi 13 février 2013

HỒI HƯƠNG CHUYẾN HAI

Tác giả: Phạm Minh Giao - VK New Caledonia - Hà nội

HỒI HƯƠNG CHUYẾN HAI

Thân tặng ache VK chuyến 2 (1961) và tất cả các bạn quan tâm…
 
Đọc bài « 13 ngày đêm lênh đênh trên Thái Bình Dương »  trên blog của anh Jean Nguyễn Văn Đại – Vanuatu, lại muốn ghi lại vài dòng ký ức ngày hồi hương năm nào với những cảm xúc còn vương lại của thời hoa niên nhạy cảm tuổi 16 – 17 trên con tàu Eastern Queen (Nữ Hoàng Phương Đông).
Đúng mồng 1 Tết Quý Tỵ này (10/2/2013) là tròn 52 năm ngày Eastern Queen chở  537[1] VK Tân-Thế-Giới cập bến Hải Phòng. Tính theo « ngày ta » hôm đó là 25 tháng Chạp năm CanhTý.
Con tàu lúc này cũng đã được phủ lại màu sơn đen trông vẻ rất «tác nghiệp» nên cũng « rơi » mất vẻ kiêu sa của Nữ Hoàng Phương Đông  trong màu áo lông vũ trắng tinh khôi khi rời cảng Nouméa ngày 30/1/1960 chở  551[2] kiều bào chuyến thứ nhất (kể từ sau 10 năm gián đoạn hồi hương trên tàu Sơn Tây ngày 17/10/1950 của 797[3] VK trong đó có 747 người từ Nouméa và 50 người từ Santo) về nước.


Ngày gia đình và bà con Việt Nam mình cùng bạn bè bản xứ ra tiễn đưa ở cảng Nouméa thật xúc động ! Người lên tàu cũng như người đi tiễn đều mặc « bộ cánh » đẹp mình ưa thích nhất; họ nắm tay nhau, ôm lấy nhau, khóc, cười. Có những bạn thân rủ nhau cùng đứng chụp một vài «pô» ảnh đen trắng (khi ấy fim ảnh chụp màu còn hiếm lắm) kỷ niệm trước khi người lên tàu, kẻ ở lại…Cả từ trên tàu cũng thấy chụp ảnh xuống và từ dưới bến cũng chụp lên…Có chị thiếu phụ tay ẵm con nhỏ, chẳng biết sao vội vàng chạy đi mua một túi cam, quýt rồi chạy về vừa gạt nước mắt vừa bối rối, lúng túng dúi vào tay lũ em nhỏ đứng cạnh bố mẹ đang đợi lên tàu. Cứ như là một việc gì quan trọng lắm phải làm mà chị quên mất và mới lại vừa nghĩ ra !? Trên boong tàu, dưới bến, thanh niên trai gái gọi nhau í ới và ném xuống cho nhau những cuộn serpentins, những confettis xanh đỏ… để đón bắt, tưởng như  những đoạn dây giấy mỏng manh ấy sẽ giúp họ nối được với nhau mãi mãi giống như trái tim họ đang thổn thức, thì thầm với chính mình… Đội thanh niên Ban hồi hương tươi cười và hăng hái xách hộ va-li, dìu các cụ già, em nhỏ bước từng bước lên thang cầu tàu. Có tốp khác đứng ở chân thang lại bá vai nhau hát vang…   
Nhiều người bản xứ không có người thân lên tàu đi mà khi qua cảng lúc này cũng dừng lại để nhìn những cảnh tượng chia ly đầy quyến luyến yêu thương ấy. Hơn 50 năm sau, nhiều người dân Calédonie trong đó có bà Phó thị trưởng TP Nouméa (Christiane Terrier) khi ấy mới chỉ là một cô gái mới lớn, đã bồi hồi kể lại tại trụ sở Ái hữu Việt Nam NC nhân buổi đón tiếp anh chị em VK quay lại thăm, nỗi lòng mình lúc chia tay với bạn học trở về VN cùng gia đình ngày ấy.
Đã đến lúc con tàu phải nhổ neo…Hồi còi tu lên kéo dài và mạnh mẽ dứt khoát như thúc giục ! Những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trên má và những cái vãy tay « tà tà », những tiếng chào nhau xen tiếng khóc vang động, chẳng còn ai nghe rõ ai nữa ! Tàu rời bến rồi tăng tốc rất nhanh, chỉ còn thấy rõ được hình ảnh xa nhỏ dần là Cathédrale de Nouméa …
Đi ngang qua  Anse Vata  đã thấy một số thanh niên phóng xe mô-tô từ cảng đến đó (chẳng biết họ lao tốc độ nhanh đến thế nào mà đã đến kịp !?) đang lố nhố đứng trên Rocher à la Voile giơ tay vẫy theo…
« Adieu ma Calé !» tôi kêu lên như vậy và bỗng thấy tâm trạng xốn xang, trống trải. Một cảm giác xúc động khó tả dâng lên trong lòng …
Và rồi là liên tiếp 13 ngày đêm trên tàu vượt đại dương.
Khoảng  ba ngày sau khi rời bến thì trên tàu được biết tin cuối cùng về Nouméa là NC đang hứng chịu một cơn bão lớn chưa từng có ở nơi đây. Có vậy mà cũng « kháo nhau » xôn xao như điều gì to lớn, lạ lùng lắm cho thấy chỉ một cơn gió mang hồn thì cũng đủ thổi vào lòng người thương mến như thế nào…Vẫn còn nằm trong vùng biển Thái Bình Dương nên con tàu Eastern Queen cũng « chịu trận ». Mới đầu nó dũng mãnh chồm lên chồm xuống qua các cơn sóng nhưng rồi gió cứ mạnh dần… cho đến lúc nó chỉ còn « đủ sức » chao đảo như một chiếc lá giữa dòng sông. Nằm trên giường trong khoang tàu mỗi lần nó nghiêng sang phải sang trái, thấy trời biển như hòa làm một thay nhau xuất hiện qua hublot, lúc là trời xám xịt, lúc là sóng biển tưởng như sát ngay cửa sổ ấy và sẵn sàng trào vào bên trong buồng ! 
Những ngày lặng sóng, đẹp trời tôi thường lên boong nhìn ra các phương trời xa xa mà lòng cũng chẳng thật rõ là mình muốn gì, mong gì !?
Không đủ dũng cảm thức dạy sớm để ngắm cảnh bình minh trên biển đẹp thế nào nhưng cũng có những buổi chiều đứng một mình trên thành tàu nhìn hoàng hôn, mặt trời chìm dần cũng đã làm lòng tôi chĩu xuống bâng khuâng… Đôi khi thấy những đàn cá chuồn cùng nhau bay vọt lên khỏi mặt nước lao đi rất xa như tên bắn hoặc bọn cá heo từng đôi một lướt cạnh tàu và bật tung lên khỏi mặt nước cũng thích thú, đỡ buồn…
Những khi thấy xuất hiện một dải đất ở rất xa mọi người đã gọi nhau vui sướng. Nghĩ đến những câu hò reo «Terre ! terre! »  trong các truyện tranh B.D. vẫn được xem, trong lòng cũng tự nhiên thầm gọi lên như vậy, mong tàu mình được cập vào nơi đó !? Nhưng tàu đã khuất qua rất nhanh !
Phấn chấn nhất là lúc cùng gọi nhau ra xem một bóng thuyền nào đấy xuất hiện ở mãi xa tít tắp, chẳng rõ là của ai, của xứ sở nào... Chẳng mấy khi các con thuyền này sát vào tàu chúng tôi mà thường xuất hiện rõ dần dần rồi lại xa xa dần và biến mất hút ở chân trời trên đại dương mênh mông trong nuối tiếc ngơ ngẩn, vô cớ của chúng tôi. Cũng đến những lúc ấy, lần đầu tiên tôi mới nhận thấy rất rõ là chân trời hình vòng cung chứ không phải thẳng băng một đường kẻ như tôi vẫn thường vẽ hồi còn đi học ở các « lớp bé »…
Mọi chuyện sinh hoạt chắc cũng giống như trên các chuyến tàu hồi hương khác nhưng choán lên trong lòng tôi ngày đó là sự mong mỏi mau chóng kết thúc chuyến đi trên biển này. Cũng có phần là do cái không khí tù túng trên tàu (mặc dù con tàu dài trên dưới 250 m) không được phóng xe đạp cùng anh em bè bạn lượn đi bát phố như trên đất liền và cũng có phần vì thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống (nhất là cái mùi thức ăn không quen kiểu Tàu, đặc biệt là bữa sáng lại ăn cháo với ca-la-thầu làm tôi ngửi thấy đã buồn nôn vì hơi bị say sóng) và tiếng máy tàu âm âm u u suốt ngày đêm gây mệt mỏi…Cũng có phần vì trong lòng đang trông ngóng một điều gì đó mơ hồ…   


Tàu vẫn chạy đêm ngày không nghỉ. Bỗng một hôm tự nhiên nghe thấy tiếng hô hoán hoảng loạn trên boong !? Từ các khoang tàu, trẻ con, người lớn cũng chạy ùa lên xem. Những người đang có mặt sẵn hoặc người nhanh chân nhất đang bám vào thành tàu chỉ trỏ xuống biển huyên náo. Con tàu đã hú lên mấy hồi còi báo động và đến khi nhiều người kịp hiểu điều gì đang xảy ra thì nó đã vòng một vòng rất rộng (vì tàu quá dài) quay ngược trở lại rất xa để lại phía sau hình vành sóng trắng rất lớn cuộn lên cùng sóng biển dập dềnh. Trong khi đó, mấy thủy thủ đã nhanh chóng phối hợp hạ một trong mấy chiếc xuồng cứu trợ vẫn treo bên hông tàu xuống. Nhìn họ thao tác chuyên nghiệp nhịp nhàng thật đẹp mắt ! Vừa lúc con tàu dừng lại thì thuyền của họ cũng vừa chạm mặt nước biển và những đôi tay rắn chắc khỏe mạnh bắt đầu chèo nhịp nhàng đẩy con thuyền cứu nạn lao đi rất nhanh. Trên boong tàu mọi người đã nhìn thấy xa xa một chấm đen đầu người đang nhô lên chìm xuống theo nhịp sóng !
Thì ra đó là Ông Cát !  Ông Cát đã mặc nguyên áo quần, lao người từ trên lan can tàu xuống nước và đang vẫy vùng « thử sức », vật lộn với đại dương ! Có ghê không !? Qua làn nước biển trong xanh thấy rõ dần  là ông Cát đang bơi …đứng như hầu hết các cụ Chân Đăng có « biết bơi » - cái kiểu bơi ở ao nhà từ lúc chưa đi phu mộ ấy mà ! Thủy thủ nhanh chóng kéo ông lên thuyền đưa về tàu.
Thực ra ngay khi đó thì ông Cát chưa « nổi tiếng » vì không mấy người biết tên ông. Sau có người nhận ra ông và kể với nhau mới biết được ông là ông Cát và quê ông ở Hải Dương. Còn nguyên nhân vì sao ông đùa với thủy thần như thế thì có trời mà biết được vì ông chỉ im lặng, « chẳng thèm » trả lời một «cuộc phỏng vấn » nào của bà con VK và của bất cứ ai cả. Ông là «giai một» nên cũng chẳng có người nhà nào để « moi » được ở ông điều gì. Không biết Capitaine Eastern Queen đã ghi sự kiện này vào báo cáo nhật ký hành trình thế nào đây hay cũng đành « ỉm đi » cho xong !? Còn với những người đã chứng kiến hôm đó thì cho đến nay, sau năm mươi hai năm rồi « sự kiện Ông Cát » trong chuyến tàu thứ hai từ NC về VN ngày ấy vẫn còn bí ẩn như  là một …« bí ẩn đại dương » vậy !
…Ít lâu sau không nhớ rõ là mấy ngày nữa, tâm hồn chúng tôi lại có dịp lần nữa xao xuyến  hơn ngày thường. Lần này thì không phải là xáo động, «giật gân» như lần trước nữa mà trái lại rất êm dịu, thơ mộng…Tàu chúng tôi đi đến một vùng biển cắt ngang qua giữa các giải đất nhìn rõ miền cát trắng bãi bờ hai bên với những hàng dừa xinh đẹp thân thuộc như ở NC và thổ dân bơi chèo trên các thuyền độc mộc ! Có người nói đó là quần đảo Philippines. Tôi vụt nhớ lại đã có lần Má tôi kể chuyện ngày các cụ «đi Tân Thế»  qua vùng này thấy có những người cởi trần, da cháy nắng, lặn ngụp suốt ngày mò trai, ốc… dưới nước rất giỏi. Các cụ đã vứt những đồng tiền trinh xuống biển và thấy họ đã lặn theo tới đáy «rất tài» nhanh như cá, nhặt giơ lên cười hiền lành với các cụ như một thú vui giao tiếp hòa bình tự nhiên giữa người và người cùng chung sống với nhau trên quả địa cầu này… 
Đến «Phao O» trong hải phận nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa rồi ! Tàu đi chậm lại rồi dừng hẳn. Mọi người lại xô cả ra thành tàu để ngó xuống phía biển. Không còn là nước biển trong xanh một màu nữa vì nước ở đây do nước sông hòa vào nên đục đỏ nhiều hơn !
Rồi một nhóm người Việt Nam đầu tiên từ đất liền đi thuyền máy ra, lên tàu. Hình như họ là những quan trên, những thuế quan hay quan kiểm tra gì ấy nữa không biết nên thấy họ chẳng nói gì với mọi người, xộc thẳng vào các khoang của chỉ huy và nhân viên tàu, vẻ mặt căng thẳng và không mấy thiện cảm ! Đến mấy bác phái viên mà chúng tôi vẫn kính nể cũng có vẻ «sợ» họ !?
May quá ! Tâm trạng chúng tôi lại được thay đổi ngay và « phổi được bổ sung thêm ô-xy» khi thấy một chiếc xuồng máy khác chạy ngược chiều ngang qua, treo «cờ đỏ sao vàng» sáng rực phần phật bay trước gió. Trên thuyền có các anh lính trẻ măng rất đẹp trai, mắt sáng, đội mũ kê-pi viền đỏ, mặc quân phục màu xanh nhạt, lưng đeo súng ngắn bao da. Cũng chẳng biết là họ có phận sự gì nhưng tất cả họ đều đứng trên thuyền trông rất hiền nhưng oai vệ, tươi cười giơ tay vẫy vẫy chào chúng tôi. Sau này chúng tôi mới biết đó là các chiến sỹ biên phòng  yêu quý của chúng ta… 
Đã đến Cảng Hải Phòng, bến Sáu Kho. Mấy từ ấy chúng tôi đã được nghe Ba Má mình nhắc đi nhắc lại trong nhiều câu chuyện kể về ngày ra đi đầy ảm đạm của họ cách đó hơn 22 năm !
Những bước chân của các Cụ Chân Đăng lại xúc động đặt trở lại nền Đất Mẹ thân yêu rồi đến những bước chân đầu tiên đầy ngỡ ngàng của con cháu các Cụ - những đứa con Niaoulis bước theo… 
Từ đây con cháu các Cụ Chân Đăng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới lạ, đầy khó khăn gian khổ và hy sinh cả khi hòa bình cũng như trong chiến tranh, xen lẫn cả kiêu hãnh tự hào và buồn tủi ấm ức nữa nhưng luôn xứng đáng với Tổ Quốc mình…
Giao thừa Năm Quý Tỵ - 10/2/2013


[1]  Số liệu từ Chronologie de la Nlle-Calédonie  do PVĐức cung cấp
[2] Như ghi chú trên
[3] Như ghi chú trên





Xin đa tạ quý ông bà anh chị em đã nhiệt tình  thăm trang
Blog  "Tân đảo Xưa và nay"
Xin mời quỹ vị hãy bấm vào link này để xem hình ảnh Vanuatu:

Hãy bấm trực tiếp vào ảnh để phóng to. Xin chân thành cảm ơn và xin chúc quý vị sức khoẻ dồi dào, vô vàn niêm vui may mắn và hạnh phúc.