mardi 12 mars 2013

Từ Việt nam Công nhân đến ... Trường Đại la.


THẦY GIÁO DOANH

Hay câu chuyện:
 "Nhớ vè mái trường Việt nam Công nhân" ở Nouméa



Post theo bài viết của Phạm Minh Giao - VK Nouméa - Hà nội


Nouméa khoảng năm 1949-50 :

...Vất vả lắm, bàn tay bé xíu nắm cán bút thật chặt, uốn môi theo mỗi chữ, M. mới viết hết được một trang vở đầy chữ “a” !

Đó là buổi đến lớp đầu tiên và cũng là trang “viết buông” đầu tiên của cậu. Các chữ “a” màu tím các cỡ to dần, nhỏ dần khác nhau, bất chấp dòng kẻ lề và các dòng kẻ ô thi nhau leo kín mặt giấy như những con sâu con run rẩy !

 

Bạn nào còn nhớ lại chính mình trong ảnh này nhỉ?

Mới đầu thì cậu còn háo hức viết nắn nót nhưng rồi chẳng mấy đã chán và “vẽ” vội vã cho nhanh xong trang viết !


“Xong rồi thì bây giờ chơi gì cho đỡ buồn nhỉ ? Bọn “chúng nó” thì thằng đang tròn môi, thằng áp hẳn má xuống trang sách đang còn thi nhau “vẽ”, đứa nào cũng bận cả mà thày giáo có cho ra sân chơi bây giờ đâu chứ, chơi gì mà chơi ! ”



Đang mải nhìn ra bãi cỏ xanh mướt ở ngoài sân trường, nghĩ đến bọn cào cào có bộ cánh cứng nâu xám bọc ngoài và bộ cánh lụa vàng tơ mỏng tang bên trong đang nhảy tanh tách ngoài đó, cậu hứng chí quơ quơ tay thế nào làm hất đổ gần cả lọ mực loang tràn lên trang viết !


“Thôi chết rồi !” Hốt hoảng nhưng cậu lại vụt nghĩ ngay ra một kế. Thế là đánh “soạt” một cái, cậu xé béng một tờ giấy trắng trong vở viết cuộn cuộn lại thành một cái ống nho nhỏ đưa lên miệng hút dòng mực đang chảy lan dần trên giấy !

   

“May quá ! mực chưa kịp tràn hết trang, hãy còn nhiều chữ “a” lắm” : cậu nghĩ vậy.

Rồi thấy trò này hay hay, cậu lại tiếp tục thò ngay đầu ống giấy vào lọ mực để hút thử xem ! Chẳng còn nhiều mực trong lọ nữa nên không thấy mực lên !?...Cậu bèn hút mạnh một cái như nhiều lần cậu đã nghịch hút cốc nước ở nhà. Thế là mực xộc ngay lên, vào chát cả miệng ! Vứt cái ống xuống đất và nhổ phì phì rồi đưa tay áo lên quẹt ngang miệng ! Tay lại bị rây mực...tiện thể cậu chùi luôn lên vạt áo ! (khổ thân cái áo sơ mi xanh Ba mới may và Má vừa mặc cho cậu lần đầu để sáng nay đến lớp ) !
 


 
Đang lúng túng chưa biết xoay sở ra sao thì đã thấy thày giáo đứng cạnh mình từ lúc nào không biết. Thày xoắn tai cậu một cái đau điếng người và quở trách câu gì chẳng biết nữa (vì tai đau quá làm sao mà còn nghe được !?).


Thày bước đi rồi cậu vẫn mếu máo và không hiểu tại sao mình đã cứu đước nhiều chữ “a” vậy mà còn bị xoắn tai !?
Nước mắt đầm đìa và buồn lắm, cậu vòng hai tay trước mặt, nằm úp má và ngực xuống bàn nức nở và “ngẫm nghĩ” một mình...Mấy con cào cào cánh lụa vàng ngoài sân lại hiện về trong đầu cậu nhảy tanh tách, tanh tách đều đặn...


***




Mở mắt tỉnh dạy cậu mới biết mình đã đánh một giấc thật dài ngay trên giường của thày giáo kê ở phòng đầu giáp lớp học. Còn điều cậu không hề biết là mặt cậu vẫn nhem nhuốc mực tím không kém gì trang viết của cậu.



Thì ra thày Doanh đã để cậu “nguyên trạng” như vậy cho cậu không bị thức giấc khi thày bế đặt cậu nhẹ nhàng vào giường khi nãy!

Cậu nhoẻn một nụ cười khoan khoái không khác gì một anh hề vừa biểu diễn xong một cách xuất sắc tiết mục của mình !

Hà Nội 24 tháng 4 năm 2010

Ghi chú của Tác giả:

Hình như thày Doanh về nước năm 1949-50 gì đó. 

Đến năm 1961 gia đình tôi cũng hồi hươg và nghe thấy Ba tôi nói là có được gặp thày làm quản đốc ở Nhà máy cao su Sao Vàng (Ngã tư Sở,  Hà Nội) và có biếu thày một bộ quần áo. Sau đó là băt đầu những năm tháng khó khăn, chiến tranh...ko gặp được thày nữa.

Tưởng là chẳng còn mấy ai  nhớ đến tên thày nữa. Vậy mà có lần một bác VK bạn anh tôi, ở Cẩm Phả  đến  Đại La chơi lại nhắc đến tên thày trong một câu chuyện cũ ở trường “Công Nhân” ! 
Thật xúc động nên tôi viết lại bài này nhân dịp con trai đi học !

Sau này tại đây tôi được học thày Trịnh Đình Tư và thày Nghiêm Đình Kế đến năm 1953 thì Chính quyền địa phương bắt đóng cửa trường dạy tiếng VN và tôi phải vào học trường Pháp (năm đó tôi 9 tuổi).








Hai trang chữ “a”


Hà Nội năm 1983 :



Lần đầu tiên được làm phụ huynh học sinh đi họp lớp cô giáo T. – giáo viên lớp Một trường Nguyễn Phong Sắc ở ngay phố Đại La. Cô giáo hiền từ, nhanh nhẹn, nói năng nhẹ nhàng và lại là người cùng phố, ở ngay bên kia đường đối diện với trường học nên cũng cảm thấy thân thiện, dễ chịu...

Cậu Tr. nhà tôi ngoan và hiền “như con gái”, đã phải đi gửi trẻ từ bé quen rồi nên chắc họp phụ huynh cũng chẳng có vấn đề gì đặc biệt.

Hôm đầu đi học thì Mẹ đã phải nghỉ làm dắt đến trường và đứng nấp ở cửa “rình mò, theo dõi” thái độ mãi rồi ! Ngoài cái miệng môi hồng xinh xẻo nhưng méo xệch không dám khóc, mắt cứ liếc về phía cửa tìm mẹ ra thì dần dần rồi cũng ổn và quen cô giáo và các bạn ...


 
Từ hôm sau trở đi, sáng sáng chị Y. hoặc chị Â. dẫn sang đường, cứ thế men theo bên trái rồi đi đến lớp. Chiều về cùng các chị hoặc nếu đi một mình thì lại men ngược theo đường cũ đến đối diện nhà 97 Đại la thì đứng đấy gọi bà nội thật to, bà sẽ “cử người” ra dẫn sang đường về nhà.
Vậy là vợ chồng tôi đều rất vui và yên tâm là “cậu ấm đã đi học” !


***

Sau phần đầu buổi họp có “tính chất chung” ấy rồi các cha mẹ học sinh mới chủ động “làm việc” riêng với cô giáo - những trường hợp cá biệt là chủ yếu hoặc là cha mẹ học sinh nào rất quan tâm tới con cái thì mới “bám sát” cô để biết rõ thêm tình hình con mình.

Tôi nghĩ Tr. nhà mình chưa có gì phải phiền đến cô nên định đứng dạy ra về. Vậy nhưng khi thấy tôi thì cô lại chủ động hỏi ngay :
- “Anh có phải là bố cháu Tr. không ạ ? ”
Tôi không biết cô định hỏi gì và chưa kịp đáp lời thì cô giáo đã “báo cáo” tiếp :
- “Anh ạ ! cháu Tr. ngoan nhưng sao cháu lại chưa biết viết ạ ? ”




Đến lần tôi ngạc nhiên :
- “Vâng thưa cô ! Cháu chưa biết viết đâu, năm nay cháu mới bắt đầu đi học mà !”
- “ Thế cháu đi học hè ở đâu anh ? ” .
Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ ra là lớp 1 cũng phải đi học thêm trước khi đi học chính thức !
Và để chứng minh “sự cần thiết” (như công việc tôi vẫn thường làm ở cơ quan trước khi xem xét một dự án đầu tư), cô liền giơ ra cho tôi xem một trang đầy chữ “a” “vẽ” bằng bút chì.

 Thôi thì từng dòng từng dòng, chữ cứ to dần to dần hoặc là bé dần bé dần. Mà đặc biệt hơn các “trang vẽ” của các bạn trong lớp là các dòng chữ “a”của con tôi nó không đi thẳng hàng mà cứ leo lên, vòng xuống không cần lề phải, lề trái, cách trên cách dưới mép sách gì cả ! Chẳng khác gì các đàn kiến to nhỏ xếp hàng ngang thi nhau bò lên bò xuống ! Tôi bấm bụng cười và nghĩ có lẽ ở nhà “cậu cả” đã quan sát đàn kiến nối đuôi nhau bò đi kiếm ăn nên cũng “vẽ” thế chăng ? (Và sau này Bà Nội cháu còn phát hiện ra cái “hậu quả tai hại” ấy còn là do mắt cháu bị loạn thị nữa mà không ai biết !)
Về kể chuyện cả nhà nghe ai cũng cười nhưng chính “trong bụng” tôi lại thấy một niềm vui ấm áp từ xa xăm vọng lại từ ngày đầu tôi mới đi học : một trùng hợp ngẫu nhiên từ cách đây hơn nửa thế kỷ và có lẽ rồi còn cả đến những sau này nữa chăng ?...









Xin trân trọng cảm ơn quý ông bà, anh chị em đã thăm trang
Blog : "Tân đảo Xưa và Nay".
Xin mời quý vị hãy bấm vào link này để xem hình ảnh Vanuatu:
http://www.panoramio.com/user/5191672
 
Hãy bấm trực tiếp vào ảnh để xem cho rõ. Xin Cảm ơn và xin chúc quý vị:
dồi dào sức khoẻ, vô vàn niềm vui , may mắn và Hạnh phúc.