mercredi 18 juin 2014

"Ông ấy không đánh chuông nữa rồi"...

Chuyện Bác Can


Bài viết của Tác giả Phạm Minh Giao - Nhà văn Niaoulis New Caledonia - Hà nội
Trình bầy và lên trang Blog do JeanvanJean - Vanuatu thực hiên.



BÁC CAN

Những năm đã khôn lớn mới biết được những người lảng Khuốc (làng chèo gốc của Việt Nam) cùng cảnh với ba má mình phải bỏ bố mẹ, anh chị em, gia đình ra đi «tha phương cầu thực» tìm miếng cơm manh áo cùng thời kỳ ấy còn có hai người khác nữa là bác Can và bác Đích.

Làng Chèo Khuốc nổi tiếng ở Đông hưng Thái Bình (ảnh internet)


Ngày ấy, sau hơn hai chục năm bặt tin vào quãng năm 1957 – 58 gì đó mới nhận được tin nhà. Thật là xúc động cái cảnh các bác cùng Ba Má ngồi cạnh nhau quây quần quanh bậu cửa để nghe một người cầm « lá  thơ » từ quê nhà gửi sang, giơ ra chỗ sáng đọc to cho mọi người cùng nghe...
Khi đó còn là trẻ con nhưng đến nay vẫn còn nhớ rất rõ những gì « nghe lỏm » được về gia đình bác Can…

***

Bác Can hơn Ba Má trên dưới chục tuổi, cái tuổi bắt đầu ổn định của đời người rồi mà vẫn phải bỏ cả vợ cả con ra đi «Tân Thế» và nghe nói lần này là lần thứ hai hoặc thứ ba gì đó. Má vẫn cứ kể hồi ở nhà (quê) bác ấy phải đi ở khổ lắm !


Cảnh lụt lội mất mùa ở Thái bình năm 1940 (ảnh internet)

Chắc chắn là chẳng phải để mong làm giàu làm có gì ở « xứ người » này nên sáng sáng ở bên đó, sau bữa cơm đạm bạc thật no, thường không thể thiếu dưa cải ngồng chấm xì-dầu hay nước mắm, bác xách cái va-li con con bằng da hay các-tông nện ép màu nâu đỏ, đi đến tận từng nhà bà con Việt Nam để cắt tóc cho bọn trẻ con các nhà quen. Bác thường lấy rẻ dăm chục quan hoặc đôi khi còn cho chịu « lần sau trả một thể » chứ chẳng cần cửa hàng cửa hiệu thu lộc thu lợi gì nhiều như người ta.

Bác Can cũng với bà con đi phu mộ sang Tân Thế giới trên con tầu Pierre Loti.

Nói vậy, chứ thực ra, bác cũng đã có lần nghe mấy anh em bạn « giục giã », mở một hiệu cắt tóc nho nhỏ ở Faubourg Blanchot (gần phía cây Thánh Giá). Thế nhưng chưa được một tháng, chẳng hiểu vì cửa hiệu ít khách hay vì bác chán cái cảnh tù chân ngồi một chỗ hoặc cũng có thể là do thiếu bọn « khách nhí » quen thuộc bọn tôi, vừa ngồi cắt tóc vừa khóc hoặc ngọ nguậy liên tục như kiến đốt làm bác cứ phải giỗ dành…Tôi vẫn nhớ một câu nói giỗ khôi hài của bác khi ấy : ngồi im rồi lớn cho lấy…một mình một vợ ! .

Hình như có bác Can đang đứng đâu đây trong ảnh này thì phải... (ảnh internet)


Cứ như vậy, sau cả ngày đi bộ hàng chục cây số vòng quanh thành phố, đến gần tối bác mới lại trở về nhà, một mình ở tít tắp mãi trên đỉnh một quả đồi ở Trianon. Nhà bác thuê là chiếc nhà sàn mái tôn, trên trụ gỗ thấp, tường bao quanh sơ sài cũng bằng gỗ nhưng có một đặc điểm khác lạ mà tôi vẫn nhớ là bên trong tường sát chiếc phản bác nằm là đủ các loại …bao diêm cũ được dán kín lên, chiếc nọ sát vào chiếc kia nom rất lạ và đẹp mắt ! Cũng không rõ là bác định trang trí tường hay là bác đã sáng tạo ra « vật liệu chống nóng » bằng cách lợi dụng các khoảng khí rỗng của các bao diêm ấy !?




  Bữa cơm chiều bác tự nấu nướng lấy và cũng thường chỉ giản đơn với một món ăn duy nhất. Bác lại nằm gối đầu lên chiếc gối gỗ nhẵn thín bác đã tự mình dùng dao gọt đẽo (có lẽ giống như kiểu gối ở quê nhà thời xưa !), vắt chân chữ ngũ, vỗ « trống bụng » í...a... mấy câu chèo làng Khuốc xa xôi mãn nguyện, vô tư…Có buổi trưa bác muốn ăn uống «đổi món » một chút cho có không khí gia đình vui vẻ hơn thì trên đường đi cắt tóc về bác đã xách qua nhà tôi cái thủ lợn hoặc vó bò gì đó rồi tự cạo rửa sạch sẽ, cho vào nồi luộc để cùng ăn với gia đình. Nhớ lúc bác đang thái thịt, bọn tôi cứ « lượn lờ » vòng quanh « mắt la mắt liếc » và cứ sau mỗi câu mắng yêu, bác lại nhón một miếng nho nhỏ thả vào cái « tàu há mồm » đang chờ sẵn vừa lượn qua !




Bác sống vô tư là thế, vậy mà có lúc nào đấy tôi đã đọc được mấy câu bác tự viết vào một cuốn vở cũ, bâng quơ, tản mác, mộc mạc và giản dị như chính tâm hồn của bác ... Chắc là vì ai đó mới dạy bác học chưa lâu nên bác chỉ mới biết viết được vài « con chữ » còn nhiều lỗi chính tả và bác lại viết ngược vở bắt đầu từ trang cuối quyển trở lên ( !) như kiểu sách in của Nhật hoặc Tàu :

« ...Gặp nhau ở giữa chốn này,
Chú bác thì vắng mẹ thày thì xa...
.......(không nhớ câu này)......
Trâu ơi sao nỡ ngứa đầu húc nhau...»

Đọc cái buồn nhớ trong các con chữ này đã thấy xa xăm, mênh mang trống trải, nao lòng xúc động làm sao ! Và càng thêm cảm động nữa là những dòng chữ ấy lại do một ông già đã sáu bảy mươi tuổi, đầu tóc lơ thơ bạc viết bằng mực học trò màu tím và nét run run như của con trẻ mới đi học !

Chắc là  khi « thốt ra » trên mặt giấy mấy câu chữ này, từ trong tiềm thức sâu xa của mình cũng là lúc bác Can vẫn đang mòn mỏi mong ngóng, chưa nhận được tin nhà !? Ở nhà có bà nhà nó và thằng cu Qua, chẳng biết ra sao rồi...?

***
Hoàng hậu Phương đông và bà con Việt kiều Tân Thế giới (ảnh inernet)


Cuộc « hồi hương » về nước của bà con Việt Nam ở Tân Thế Giới và Tân Đảo từ tháng 12 năm 1960 và kết thúc vào tháng 3 năm 1964 như một cơn lốc lịch sử …Bằng tiền bạc « mồ hôi nước mắt, ăn sẻn để dành » đã tích cóp suốt mấy chục năm ròng, tuỳ theo khả năng mỗi nhà, bà con ta đã mua sắm đủ loại hàng hoá mang về theo chuyến tàu mình đi. Qua tin tức gia đình từ Việt Nam gửi sang, biết «ở nhà còn thiếu thốn lắm » nên họ mang theo về xe đạp  «Peugeot », máy khâu «Singer », đồ nghề làm việc, quần áo, vải vóc, thuốc thang cho đến cả các phuy dầu ăn, đồ hộp « Ouaco »… Có người còn mang được cả ô-tô nữa vì mỗi đầu người được mang theo đến 250 kg cơ, nếu tính gộp cho cả chuyến tàu và tính theo tiêu chuẩn toàn gia đình người lớn, trẻ con thì cũng có thể còn dư cân cho phép mang theo nữa mà !


Xe đạp Pờ-rô (Peugeot) và máy khâu Xanh-de  (Singer) nổi tiếng.

Bác Can cùng trở về quê hương và cũng theo mọi người đi mua sắm nhưng hình như cũng chẳng có gì nhiều lắm ! Bác cũng mua cả xe đạp nữa (nhưng đã bao giờ bác biết đi xe đâu và suốt cả thời gian ở Nouméa bác thường vẫn chỉ «cuốc bộ» đi cắt tóc thôi mà !) nhưng có lẽ do mọi gia đình chuẩn bị hồi hương cùng « đổ đi » mua sắm nên thiếu hàng và vì  bác « chậm chân » nên chỉ còn mua được mấy chiếc xe đạp « Motobécane » chứ không mua được loại xe «Peugeot » tốt và được mọi người ưa chuộng hơn ( !?).



***

Nhiều năm sau khi trở về thăm làng quê cùng Ba Má, đôi lần gặp lại bác Can ở ngoài chợ làng Khuốc. Bác vẫn mang theo đồ nghề để cắt tóc rong ở chợ nhưng không phải là bộ kéo và tông-đơ, dao cạo đựng trong chiếc va-li nâu nhỏ ngày xưa nữa mà là để trong một cái «va-li » tự đóng lấy…bằng gỗ có tay cầm cũng bằng…gỗ ! Và cũng không phải là bác Can dáng to cao hồng hào, vui tính hay mặc chiếc áo ka-ki hoặc áo vải bông sọi thô màu « gris » dài tay vẫn thường đùa vui với trẻ con như ngày nào ở Nouméa nữa mà đã là một cụ già thực sự với đôi mắt tư lự đã mờ trên đôi gò má hóp, đi chân đất, mặc chiếc áo vải nâu bạc cổ tròn!  Thương bác quá khi nghe nói đã có năm chiến tranh, mùa màng ở quê kém bác đã phải « ăn đói » để nhường cơm cho con cho cháu trong nhà nữa !

Chiếc đồng hồ Bác Can nâng niu chắc cũng giống hệt cái này đây... (ảnh internet)


Vào thăm nhà bác tôi nhìn thấy chiếc đồng hồ quả lắc bác mang về. Lần đầu tiên thôi thấy loại đồng hồ khác biệt này và đoán cũng chỉ có bác Can mới mua nó mang về !? Gọi là đồng hồ quả lắc nhưng nó không hề có con lắc mà thay vào vị trí đó, thấy vừa ngây thơ vừa vui vui là một người đàn ông nhỏ bằng đồng đen nhánh đang vung hai tay quai chiếc búa tạ đập vào cái chuông bên cạnh để đánh điểm giờ. Có vẻ như đó là hình ảnh tượng trưng nào đấy của một châu Âu xưa, nơi đồng quê xa xôi vào thời kỳ bắt đầu công nghiệp hoá ?     

Chiếc đồng hồ quả lắc bác mang về ngày ấy vẫn được treo cao trang trọng trên tường nhà như một kỷ vật của « ba lần đi Tân Thế »…
Bác Can bảo chỉ tiếc là « ông ấy » không đánh chuông được nữa rồi !




Hà Nội tháng hè năm 2014



Xin chân thành cảm ơn  bà con anh chị em đã ghé thăm Blog Tân đảo Xưa và Nay.
Xin mời quý vị hãy click vào đây để ghé thăm Port Vila Vanuatu:
để xem trang ảnh do jeanvanjean thực hiện. Xin đa tạ quý vị.